Chất thải nguy hại là gì?

Chất thải nguy hại (CTNG) là một vấn đề nghiêm trọng trong quản lý môi trường. Đây là những loại chất thải chứa các yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn hoặc có đặc tính nguy hại khác. Cùng tìm hiểu rõ hơn qua bài viết dưới đây.

Chất thải nguy hại là gì?

Chất thải là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí hoặc ở dạng khác được thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.

Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác.

(Căn cứ khoản 18, 20 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020)

Phân loại chất thải nguy hại

Để xác định và phân loại chất thải nguy hại (CTNH), doanh nghiệp cần dựa theo Phụ lục 1 của Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ban hành ngày 30/06/2015 về quản lý chất thải nguy hại. Danh mục này cung cấp các thông tin về các loại chất thải được xem là nguy hại và yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ để đảm bảo việc quản lý chất thải an toàn và hiệu quả.

Mỗi loại chất thải nguy hại sẽ được thể hiện bằng mã số, được gọi là mã chất thải nguy hại (mã chất thải nguy hại).

Nếu dựa vào tính chất nguy hại thì chất thải nguy hại bao gồm những chất thải dễ cháy, dễ nổ, có tính oxi hóa, ăn mòn, hay những chất thải có độc tính đối với con người và hệ sinh thái và chất thải có tính lây nhiễm.

Nếu căn cứ vào nhóm nguồn hay dòng thải chính thì chất thải nguy hại bao gồm:

  • Chất thải từ ngành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, dầu khí và than.
  • Chất thải từ ngành sản xuất hóa chất vô cơ.
  • Chất thải từ ngành sản xuất hóa chất hữu cơ.
  • Chất thải từ nhà máy nhiệt điện và các quá trình nhiệt khác.
  • Chất thải từ các quá trình luyện kim.
  • Chất thải từ quá trình sản xuất thủy tinh và vật liệu xây dựng.
  • Chất thải từ quá trình xử lý, che phủ bề mặt, tạo hình kim loại và các vật liệu khác.
  • Chất thải từ quá trình sản xuất, điều chế, cung ứng, sử dụng các sản phẩm che phủ (sơn, vecni, men thủy tinh), chất kết dính, chất bịt kín, mực in.
  • Chất thải từ ngành chế biến gỗ, sản xuất các sản phẩm gỗ, giấy, bột giấy.
  • Chất thải từ ngành chế biến da, lông và dệt nhuộm.
  • Chất thải xây dựng, phá vỡ (kể cả đất đào ở khu vực ô nhiễm)
  • Chất thải từ các cơ sở tái chế, xử lý, tiêu hủy chất thải, xử lý nước cấp sinh hoạt và công nghiệp.
  • Chất thải từ ngành y tế và thú y (trừ chất thải sinh hoạt của ngành này)
  • Chất thải từ ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
  • Thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đã hết hạn sử dụng và chất thải từ hoạt động phá dỡ, bảo dưỡng thiết bị, phương tiện giao thông vận tải.
  • Chất thải hộ gia đình và chất thải sinh hoạt từ các nguồn khác.
  • Dầu thải, chất thải từ nhiên liệu lỏng, chất thải dung môi hữu cơ, môi chất lạnh và chất đẩy.
  • Các loại chất thải bao bì, chất hấp thụ, giẻ lau, vật liệu lọc và vải bảo vệ.
  • Và các loại chất thải khác.

Mã số chất thải nguy hại là gì ? Ý nghĩa mã số chất thải nguy hại

Mã chất thải nguy hại (mã chất thải nguy hại): Là cột thể hiện mã số của các chất thải trong Danh mục khi được phân định là chất thải nguy hại. Mã chất thải nguy hại được tổ hợp từ 1, 2 hoặc 3 cặp chữ số (hay 2, 4 hoặc 6 chữ số) như sau:

a) Cặp chữ số (hay 2 chữ số) thứ nhất thể hiện mã của nhóm chất thải phân loại theo nhóm nguồn hoặc dòng thải chính;

b) Cặp chữ số (hay 2 chữ số) thứ hai thể hiện mã của phân nhóm chất thải phân loại theo phân nhóm nguồn hoặc dòng thải trong từng nhóm nguồn hoặc dòng thải chính;

c) Cặp chữ số (hay 2 chữ số) thứ ba thể hiện mã của từng loại chất thải trong từng phân nhóm nguồn hoặc dòng thải.

Tất cả chất thải được phân định vào từng nhóm với mã số riêng biệt tại mục C – phụ lục 1: Danh mục chất thải nguy hại.

Hướng dẫn tra cứu mã chất thải nguy hại

Bước 1: Tra cứu theo nhóm nguồn hoặc dòng thải phát sinh

Căn cứ Danh mục nhóm chất thải phân loại theo nhóm nguồn hoặc dòng thải chính tại Mục B Phụ lục này để sơ bộ xác định một chủ nguồn thải đang được xem xét có thể phát sinh các chất thải nằm trong những nhóm nào, có thứ tự bao nhiêu. Lưu ý là một cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thể liên quan đến một số nguồn thải hoặc dòng thải khác nhau do bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, do đó phát sinh những chất thải nằm trong nhiều nhóm khác nhau thuộc hai loại như sau:

Các nhóm mã từ 01 đến 16 bao gồm những nhóm chất thải đặc trưng cho từng loại nguồn thải hoặc dòng thải khác nhau;

Các nhóm mã 17, 18 và 19 bao gồm những nhóm chất thải chung mà mọi nguồn thải đều có thể phát sinh.​

Bước 2: Xác định vị trí của nhóm chất thải

Căn cứ vào thứ tự nêu trên để xác định vị trí của nhóm chất thải phân loại theo nhóm nguồn hoặc dòng thải chính trong Danh mục chi tiết tại Mục C Phụ lục này (tương ứng với nhóm mã chất thải nguy hại gồm một cặp chữ số).

Bước 3: Xác định phân nhóm chất thải

Rà soát trong nhóm nguồn hoặc dòng thải chính nêu trên để xác định phân nhóm chất thải phân loại theo phân nhóm nguồn hoặc dòng thải liên quan (tương ứng với phân nhóm mã chất thải nguy hại  gồm hai cặp chữ số).

Bước 4: Xác định tên chất thải và mã số chất thải nguy hại cụ thể

Rà soát trong phân nhóm chất thải phân loại theo phân nhóm nguồn hoặc dòng thải nêu trên để xác định từng loại chất thải nguy hại căn cứ vào tên của chúng (tương ứng với mã chất thải nguy hại gồm ba cặp chữ số). Phân loại và áp mã chất thải nguy hại tương ứng nếu chất thải được phân định là chất thải nguy hại (thuộc loại * vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc thuộc loại **).

Bước 5: Xác định mã chất thải nguy hại đối với trường hợp “hỗn hợp chất thải”

Trong trường hợp một hỗn hợp chất thải không có tên tương ứng trong Danh mục chi tiết tại Mục C Phụ lục này, việc phân loại và áp mã chất thải nguy hại theo nguyên tắc sau:

Khi hỗn hợp chất thải chỉ có một chất thải thành phần có tên tương ứng trong Danh mục chi tiết được phân định là chất thải nguy hại (thuộc loại * vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc thuộc loại **) thì áp mã của chất thải nguy hại này;

Khi hỗn hợp chất thải có hai hay nhiều chất thải thành phần có tên tương ứng trong Danh mục chi tiết được phân định là chất thải nguy hại (thuộc loại * vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc thuộc loại **) thì có thể sử dụng tất cả các mã chất thải nguy hại tương ứng hoặc áp một mã chất thải nguy hại đại diện theo thứ tự ưu tiên sau: Mã chất thải nguy hại của chất thải thành phần có tỷ trọng lớn hơn trong hỗn hợp; khi không xác định rõ được tỷ trọng, thì áp mã của chất thải thuộc loại ** (nếu có) hoặc mã của chất thải nguy hại có thành phần nguy hại với giá trị ngưỡng chất thải nguy hại thấp nhất;

Cần phân biệt hỗn hợp chất thải với chất thải có thành phần nguy hại bám dính hoặc hỗn hợp chất thải mà các thành phần đã được hòa trộn với nhau một cách tương đối đồng nhất về tính chất hóa-lý tại mọi điểm trong khối hỗn hợp chất thải theo quy định tại QCKTMT về ngưỡng chất thải nguy hại.

Bước 6: Trường hợp không tìm được mã chất thải nguy hại cụ thể 

Trong trường hợp không tìm được mã chất thải nguy hại cụ thể theo nguồn thải hay dòng thải thì áp các mã chất thải nguy hại từ 19 12 01 đến 19 12 05 nếu vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định tại QCKTMT về ngưỡng chất thải nguy hại.