Phương án xử lý chất thải nguy hại

Công nghệ xử lý chất thải nguy hại phải đáp ứng những tiêu chí gì? Các công nghệ xử lý chất thải nguy hại là gì? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Công nghệ xử lý chất thải nguy hại phải đáp ứng những tiêu chí nào?

Căn cứ Điều 39 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT, theo đó công nghệ xử lý chất thải nguy hại phải đáp ứng những tiêu chí sau:

Tiêu chí xác định công nghệ để đánh giá như sau:

  • Công nghệ thuộc danh mục hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
  • Các công nghệ có nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường: thiêu hủy; tái chế, thu hồi kim loại, oxit kim loại, muối kim loại bằng nhiệt hoặc hóa học; xử lý nước thải; xử lý, tái chế, thu hồi hóa chất.

Tiêu chí về công nghệ:

  • Nguồn gốc, xuất xứ của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ; ưu tiên công nghệ đã được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận, thẩm định, đánh giá đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường và phù hợp với điều kiện Việt Nam;
  • Mức độ cơ khí hóa, tự động hóa; khả năng mở rộng, nâng công suất;
  • Mức độ tiên tiến, ưu việt của công nghệ xử lý chất thải nguy hại;
  • Mức độ phù hợp của các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ so với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn của các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; khuyến khích áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất, công nghệ xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng;
  • Tính đồng bộ của thiết bị trong dây chuyền công nghệ, khả năng sử dụng, thay thế các loại linh kiện, phụ tùng trong nước, tỷ lệ nội địa hóa của hệ thống công nghệ, thiết bị;
  • Mức độ tự động hóa trong việc vận hành hoạt động của công nghệ xử lý, tuổi thọ, độ bền của máy móc, thiết bị trong dây chuyền công nghệ.

Về môi trường và xã hội:

  • Bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với khí thải, nước thải phát sinh trong quá trình xử lý chất thải nguy hại;
  • Tiết kiệm diện tích đất sử dụng của hệ thống công nghệ xử lý chất thải nguy hại;
  • Mức độ tái sử dụng, thu hồi các thành phần có giá trị từ chất thải nguy hại;
  • Mức độ ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái, con người trong quá trình vận hành hoạt động của công nghệ xử lý chất thải nguy hại và sản phẩm sau khi xử lý;
  • Mức độ rủi ro đối với môi trường và khả năng phòng ngừa, khắc phục khi xảy ra sự cố kỹ thuật;
  • Khả năng đào tạo nhân lực địa phương tham gia quản lý, vận hành thiết bị, bảo dưỡng và bảo trì thiết bị thành thạo;
  • Bảo đảm các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng sản phẩm tái chế theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Về kinh tế:

  • Khả năng tiêu thụ sản phẩm thu được từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải của dự án;
  • Tiềm năng và giá trị kinh tế mang lại từ việc tái sử dụng chất thải, năng lượng và các sản phẩm có ích được tạo ra sau xử lý chất thải nguy hại;
  • Tính phù hợp trong chi phí xây dựng và lắp đặt thiết bị; chi phí vận hành; chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.

Các công nghệ xử lý chất thải nguy hại

Xử lý bằng phương pháp đốt

Các loại chất thải cần đốt sẽ được đưa vào lò đốt theo từng mẻ, nhiên liệu sử dụng để đốt là dầu DO. Tại lò đốt sơ cấp nhiên liệu sẽ được phun vào lò đốt qua béc đốt để đốt cháy các chất thải và luôn duy trì nhiệt độ trong lò đốt ở nhiệt độ (550 – 6500C).

Khí sinh ra sau khi đốt từ lò đốt sơ cấp sẽ được dẫn qua lò đốt thứ cấp nhằm đốt cháy các thành phần còn lại trong khí thải ở nhiệt độ cao hơn (khoảng 1000 – 1.2000C). Tương tự như lò đốt sơ cấp, trong lò thứ cấp nhiên liệu dầu DO cũng được phun vào nhằm duy trì nhiệt độ trong lò đốt. Khí sinh ra từ lò đốt chất thải sẽ được dẫn qua thiết bị trao đổi nhiệt nhằm giảm nhiệt độ xuống dưới 3000C để tránh sự hình thành các độc chất Dioxin/Furan.

Dòng khí sau khi hạ nhiệt độ sẽ được dẫn qua thiết bị hấp thụ, bên trong có các lớp đệm vòng sứ. Nhờ quá trình tiếp xúc giữa pha khí và pha lỏng (dung dịch NaOH) các thành phần khí acid như: HCl, HF, COX, SOx, NOx, bụi … sẽ được loại bỏ ra khỏi khí thải trước khi xả thải ra môi trường qua ống khói cao 20m. Phần dung dịch hấp thụ được tuần hoàn lại và được bổ sung NaOH thường xuyên nhằm đảm bảo đúng nồng độ cho quá trình xử lý.

Theo định kỳ phần dung dịch sẽ được xả thải vào hệ thống xử lý nước thải và thay thế bằng dung dịch mới. Nhiệt lượng sinh ra từ quá trình xử lý được tận dụng để sấy khô các loại chất thải và bùn thải nhằm hạn chế việc phát thải nhiệt ra ngoài môi trường và tiết kiệm nhiên liệu cho quá trình xử lý

Cặn tro sinh ra từ quá trình đốt sẽ được tiến hành hóa rắn trước khi chôn lấp an toàn.

Xử lý bằng phương pháp ổn định hóa rắn

Chất thải cần hóa rắn được nghiền tới kích thước thích hợp, sau đó được đưa vào máy trộn theo từng mẻ. Các chất phụ gia như xi măng, cát và polymer được bổ sung vào để thực hiện quá trình hòa trộn khô, sau đó tiếp tục bổ sung nước vào để thực hiện quá trình hòa trộn ướt. Quá trình khuấy trộn diễn ra làm cho các thành phần trong hỗn hợp hòa trộn đều tạo thành hỗn hợp đồng nhất. Sau thời gian hòa trộn cần thiết, hỗn hợp được cho vào các khuôn lập phương. Sau 28 ngày bảo dưỡng khối rắn, quá trình đóng rắn diễn ra làm cho các thành phần ô nhiễm hoàn toàn bị cô lập.

Khối rắn sẽ được kiểm tra cường độ chịu nén, khả năng rò rỉ và lưu giữ cẩn thận tại kho, sau đó vận chuyển đến bãi chôn lấp an toàn.

Xử lý nước thải

Các loại nước thải được phân loại và chứa trong các thiết bị chứa riêng cho từng loại. Đây là công đoạn đơn giản nhưng giúp cho việc xử lý ở các công đoạn phía sau được thuận lợi, tiết kiệm được chi phí và tối ưu hóa công nghệ xử lý, bao gồm các loại sau:

  • Nước thải chứa chất hữu cơ khó phân hủy sinh học;
  • Nước thải chứa hàm lượng kim loại nặng cao;
  • Nước thải nhiễm dầu.

Hệ thống xử lý nước thải tại nhà máy vận hành theo dạng mẻ, tại mỗi mẻ xử lý nước thải sẽ được luân phiên dẫn vào bể điều hòa nhằm ổn định lưu lượng và nồng độ nước thải trước khi qua các giai đoạn xử lý tiếp theo.

Riêng đối với nước thải nhiễm dầu được thực hiện công đoạn tách dầu bằng quá trình tuyển nổi áp lực trước khi dẫn qua bể điều hòa. Nước thải được xử lý tại hệ thống xử lý nước thải được thực hiện theo các phương án đề cập dưới sau:

  • Xử lý cơ học : lắng, lọc, tách pha và tuyển nổi.
  • Xử lý hóa lý : keo tụ.
  • Xử lý hóa học : oxi hóa bậc cao.
  • Xử lý sinh học : kỵ khí (UASB), hiếu khí và thiếu khí xử lý nitơ theo dạng mẻ với bùn hoạt tính hiếu khí lơ lửng.

Xử lý tái chế

Mục tiêu của tái chế chất thải là nhằm làm giảm bớt sự nguy hại của chất thải đối với môi trường sống, nhằm bảo vệ sức khỏe cho tất cả mọi người. Với những chất thải tái chế, con người có thể giảm bớt được chi phí xử lý ô nhiễm môi trường.

Hy vọng qua bài viết trên bạn có thể hiểu rõ hơn về các công nghệ xử lý chất thải và các tiêu chỉ của công nghệ xử lý chất thải. Công nghệ xử lý chất thải nguy hại hiện đại hóa không chỉ giúp giảm thiểu tác động của chúng đến môi trường mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Việc tái sử dụng và tái chế có thể giúp tiết kiệm nguyên liệu và tài nguyên tự nhiên.